Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Chiếc chén người - Truyện ngắn của Trần Xuân Đạt.



Chiếc chén người
Truyện ngắn của Trần Xuân Đạt.
    
Vét đến đồng xu cuối cùng thả vào chiếc chậu nhôm vọp vẹp, méo mó của đám trẻ hát rong “những nghệ sĩ đường phố” chuyên nghề chơi nhạc dạo, và lê la xin ăn ở các quán ăn vỉa hè, góc phố. Âm thanh lanh tanh, lanh tanh của những đồng xu gieo vào nhau đánh thức từng đôi mắt lờ đờ, đỏ sọng vì gió lạnh, chú nhóc ôm cây ghi ta cũ mèm khẽ ngúc ngắc mái tóc dài bù xù, nghểnh tai nghe ngóng, rồi lặng lẽ so dây, từ những ngón tay đang động cựa phát ra chùm âm thanh réo rắt, làm nền cho mớ âm thanh ồ ồ lạ tai thoát ra từ ống thanh quản đang sưng tấy vì nhiễm lạnh của con bé mù độ mười ba, mười bốn tuổi.
-         Cô Mị Nương vốn ở lầu tây…i... i… con quan thừa tướng đêm ngày cấm cung... i... i…      
Tiếng i i của nó còn kéo dài mãi trong tôi dù tôi đã rời xa nơi chúng ngồi hàng mấy con phố.
- Mày thuộc hạng phàm phu tục tử! Cha tôi hét lên khi tôi học mãi vẫn không thể điều khiển nổi chiếc cần dài, cong vút như đuôi con chuột cống khổng lồ của cây đàn bầu – Ngữ mày chẳng nên cơm, nên cháo gì đâu con ạ… nói rồi ông lầm lụi vác cây đàn có cái bầu mang hình dáng na ná như chiếc chén Tống đem chôn góc vườn. Mặc tôi ngồi miên man với bao ý nghĩ hỗn loạn trong đầu.
Hiểu biết thì là thánh, là thần, không hiểu biết liệt vào hạng phàm phu tục tử.
Tôi không hiểu tôi thuộc hạng phàm phu. Tôi không biết tôi thuộc hàng tục tử. Chiếc chén Tống cỡ lớn phát ra mọi cung bậc âm thanh trên cây đàn bầu đã ru bước tôi đi mười mấy năm nay...
Tôi không muốn làm thánh, tôi cũng chẳng muốn làm thần, nhưng tôi biết tôi là gì trong cái xã hội đầy rẫy những mưu toan và cám dỗ này!    
-     Mời anh uống nước.
Thuỳ Dương nhẹ nhàng đẩy chén nước sóng sánh về phía tôi, chén nước trà xanh sậm, làm nóng cả căn phòng chiều lạnh giá, thứ hương chè Thái Nguyên loại sang toả hương thơm dìu dịu, thanh khiết đánh thức linh giác trong tôi. Khiến tôi rùng mình se sẽ.
-     Cảm ơn cô. Lâu lắm mới được thưởng thức tách trà ngon thế này đấy.
-  Anh vẫn khéo nịnh nhỉ, ngần ấy năm gặp lại nhau có cần phải khách sáo thế không?
- Thời gian trôi kể cũng nhanh thật đấy… mới hôm nào tôi và cô… còn… còn… Cố điều chỉnh lại cảm xúc, tôi nhấp vội ngụm trà khi biết mình quá lúng túng trong cách diễn đạt. Cảm giác chát đắng, rát rạt trên vòm lưỡi xộc tới khiến tôi sững sờ. Thôi chết phỏng lưỡi rồi, chén trà nóng rẫy tay như thế mà tôi đổ ộc đến quá nửa vào trong mồm không biết. Sự chịu đựng quá mức khiến mặt mũi tôi phừng phừng, mồ hôi túa ra như kẻ ngồi xông cảm.
-  Anh vẫn như ngày nào, vẫn hài hước và hay pha trò cho mọi người cười nhỉ... Thuỳ Dương thích thú ngắm nhìn bộ dạng thảm hại của tôi rồi cười nắc nẻ. Khiến tôi chỉ còn biết lúng túng hít hà trong miệng và soi mặt mình vào chén nước còn lờ đờ khói.
-  Anh biết không – Thuỳ Dương tiếp tục câu chuyện – nhìn bộ dạng anh lúc này em lại nhớ chuyện ngày trước của hai chúng ta, khi anh đón em từ trường về, sinh viên năm cuối cùng mà vẫn ngây thơ đến ngờ nghệch. Ai đời đi cạnh người yêu mà lúng ta lúng túng như gà mắc tóc, mồm không ngớt lẩm nhẩm đọc đi đọc lại những lời nhạc chế vô thưởng vô phạt, trong khi tay cầm cành lá che nắng cho em lại rung bần bật như phất cờ lệnh, khiến mọi người đi đường nhìn thấy không khỏi ôm bụng cười rũ...
Chén nước đã giảm bớt nhiệt độ, nhưng làn khói mỏng mảnh vẫn không dứt bay lên. Có thể nhiệt độ trong căn phòng quá thấp, hoặc thứ nước dùng pha trà lẫn quá nhiều tạp chất nên nhiệt độ của nước giữ được lâu hơn.
- Ra trường, anh bỏ đi biền biệt không dòng địa chỉ liên lạc, em chỉ biết những thông tin ít ỏi về anh qua mẹ em đấy, bà vẫn thường xuyên dõi theo mỗi bước đi của anh… anh làm gì, đã chịu lấy vợ chưa, đang có ý định tìm hiểu những ai bà đều cho em biết cả… cô thở dài giọng chợt chùng xuống. – Anh có tin vào số mệnh không?
Chiếc chén nàng Mị Nương ngày xưa dùng là thứ chén gỗ, tiện từ gỗ cây bạch đàn người đời trồng trên mộ chàng Trương Chi để linh hồn chàng khỏi cô độc. Khi được giọt nước mắt thương cảm của người đẹp nhỏ vào thì tự vỡ tan ra, đó cũng là số mệnh của chiếc chén.
- Em thì em tin mỗi người đều có số mệnh riêng của mình, anh ra đi vì thất chí, vì bị người yêu phụ bạc hay vì bởi lòng tự ti của một kẻ hèn nhát, trốn chạy tình yêu của mình, cũng chỉ gói tròn trong vòng số mệnh đúng không anh? Giá như ngày đó anh dũng cảm hơn, anh hiểu biết tâm lý con gái hơn thêm một chút, họ nói sao anh đừng vội tin… anh hãy nhìn vào ánh mắt em khi ấy… anh chỉ biết im lặng thôi sao? Ngần ấy năm anh im lặng đã khiến em day dứt thế nào? Sao anh không chịu hiểu… Thuỳ Dương dừng lời đưa ánh mắt nhìn xoáy vào chén nước trước mặt tôi, hình như sâu tận đáy cốc em đang mong tìm vớt một mảng quá khứ, một nỗi ám ảnh mơ hồ, hòng phản chiếu lại những tia vô sắc vào đôi mắt của kẻ đang cố giấu nỗi đau bản thể trong đó.  
-  Mười mấy năm trời, em bươn trải, vật lộn với nỗi đau tê tái trong thứ hạnh phúc giả tạo mà người đời cố gán cho em. Đơn thương độc mã giữa sự ghẻ lạnh của những kẻ mang trong mình thứ bệnh dịnh giáo điều, cao ngạo đến lố bịch về đẳng cấp xã hội, về sự xuất thân hèn kém của một cô gái tỉnh lẻ, con nhà nghèo… Anh uống nước đi chứ - Thuỳ Dương ngừng lời với tay tiếp thêm nước trà mới từ bình vào chiếc chén trước mặt tôi.
Chén nước trà lại đầy chao chát, những giọt trà vàng sánh như mật ong tràn qua miệng chén lăn thành vệt dài loang trên mặt bàn gỗ Pơ mu láng coóng.
 Trong chiếc gương nước vô tình vừa được tạo thành, tôi thả sức ngắm em, một Thuỳ Dương của hơn mười lăm năm về trước, mạnh mẽ, cuồng nhiệt. Trong bóng nước lung linh hư ảo đó, hiện ra Thuỳ Dương của tôi, Thuỳ Dương của tuổi mười bảy tràn trề sức sống, một bông hoa của hương đồng gió nội đang hiện hữu sống động, vẫn còn nguyên kia nụ cười tươi rói trên làn môi trinh tiết, vẫn còn nguyên kia sắc thắm của đôi má chớm độ xuân thì.
- Anh còn nhớ cái ao sen đầu làng mình không – giọng Thuỳ Dương xa vời – cái ao nơi chúng ta hay ngồi ngắm trăng, và bàn luận về cuộc sống tương lai đó anh… Độ này anh làm sao thế, không muốn nghe em nói chuyện sao? - em giận dỗi trách nhẹ tôi rồi lại tiếp tục trở về với mạch ký ức của mình – cái ao nhỏ thế mà quanh năm suốt tháng lềnh bềnh cơ man là ván thôi với áo quần người chết không thể tiêu, người ta quẳng xuống đó ngâm đến nỗi đám cây sen, cây súng sống khoẻ như thế cũng bị chết vì ối nước.
Cái ao cấp nước ăn ngầm cho cả làng tôi, những mạch nước li ti từ lòng ao lặng lẽ thấm qua lớp cát bồi lắng mịn màng đưa dòng nước ngọt đến từng chiếc giếng khơi sâu hun hút của nhà em, nhà tôi, nuôi dưỡng, tắm mát tuổi thơ tôi, tuổi thơ em, làm sao quên được. Đến tận bây giờ sau mười mấy năm nó vẫn là chiếc chén khổng lồ thu nhận mọi nguồn nước rót vào rồi âm thầm chắt lọc, phân phối qua lớp bùn đen quánh đặc thời gian, rồi lại qua lớp cát bồi lắng mịn màng, nuôi dưỡng các thế hệ người trong làng tôi nối tiếp ra đời, không dứt. Tôi còn nhớ như in buổi đêm cuối năm ấy khi hai đứa ngồi tâm tình bên nhau bên bờ ao –  trên miệng cái chén khổng lồ của làng – cũng như hôm nay tôi ngồi đây trong căn phòng này, bên em phía trong lòng chiếc chén lặng ngắm từng mảng lân tinh sáng xanh in hằn trên những tấm ván thôi đã nát mủn hình dáng những tư thế nằm khác nhau của những người chủ thực sự của nó sau ba năm vùi sâu dưới lớp đất màu, bắt đầu cho chuyến đi lẫm liệt vào quên lãng.
Trong khi tôi mải mê chiêm ngưỡng những dải lân tinh xanh lè bập bềnh trên khắp mặt ao và nghĩ về những số phận người, về sự hiện hữu, tồn tại và tha hoá từ bản chất của chiếc chén khổng lồ làng tôi, thì em vẫn hồn nhiên thả những tràng cười trong vắt vào đêm, em khe khẽ hát, điệu nhạc phát ra từ trái tim và tâm hồn thánh thiện làm rung cả những vì sao, tôi vẫn thường đùa em như thế mỗi khi được nghe em hát, đúng nghĩa là tôi đang cảm nhận được sự hồn nhiên tươi trẻ từ trái tim em ngân thành nhạc điệu.
- Bước chân theo chuyên ngành âm nhạc, với bao nhiêu sự kỳ vọng vào một ngày mai tươi sáng đổ ụp trong em khi bước vào năm cuối. Mẹ em vẫn thường bảo, con cố học thật giỏi để thoát li khỏi cuộc sống nơi xó xỉnh này đi, chỉ có học mới giúp con có chỗ đứng vững chắc trong cuộc đời này… Nhưng anh biết không?... với mớ kiến thức thu nhận được trong thời gian học, chỉ đủ để gảy lên vài nốt nhạc đô sòn trước xu hướng xã hội đang vùn vụt tăng cao mỗi ngày, làm sao mong kiếm được một công việc phù hợp với dúm kiến thức học ở trường. Thực bế tắc phải không anh? Thuỳ Dương ngừng lời, chén trà nóng được đẩy về phía tôi, khói còn vương vất.
Kiến bò miệng chén có bò đi đâu! Cái vòng quanh vòng quẩn cuộc sống là như vậy, mọi sự cố gắng quẫy đạp, vẫy vùng chỉ chứng tỏ thêm một điều, không thể thoát khỏi nó và tận sâu trong tâm khảm, từ vô thức, mọi người vẫn mong được lao vào vòng xoay của nó đấy thôi.
Em biết không thể phủ nhận quá khứ, không thể trách móc hay phủ định quá khứ bởi quá khứ cũng là một thực thể tồn tại dưới dạng thức ảo của cuộc sống, mỗi chúng ta là một biến thể của nó. Nhưng chắc chắn em không thể hiểu, quá khứ mang bản chất của chiếc chén tàng hình, ở đó hiện tại thoải mái rót vào trong đó tất cả những gì có thể, chiếc chén tàng hình có thể chứa và sẵn sàng chứa tất cả, mọi quan điểm sống, không phân định rạch ròi đúng sai hay rác rưởi. Nhưng quá khứ không giống chiếc chén ao làng quê, nó không trực tiếp nuôi sống ai cả, và cũng không có ý định chia sẻ cho ai cả nguồn sinh dưỡng có trong nó, mọi người tự lượng ngưỡng mức của mình mà trưng dụng. Tôi ra đi biền biệt ngần ấy năm trời, có thể hành động đó trong mắt em chỉ là một cuộc chạy trốn quá khứ của tôi đấy thôi! Em vẫn nghĩ, tôi không thể tự lo lắng cho chính bản thân mình, làm sao có thể đèo bòng thêm một người khác nữa.
Em cũng từng nuôi ý nghĩ, cuộc sống nhốn nháo này sẽ vĩnh viễn tước đi của tôi quyền được yêu? Nên em thường bảo tôi là người sống thiếu thực tế. Tôi cười chấp nhận.
Em hay trách tôi nghệ thuật hoá tình yêu và tình cảm trong mình. Tôi cười ngậm ngùi thú nhận tâm hồn tôi chưa thể vượt qua bóng của luỹ tre xanh bên bờ ao làng...
- Em quyết định đi tìm cho mình một mái ấm hạnh phúc mong chở che nốt phần đời còn lại, sau mọi sự vẫy vùng, quẫy đạp, bất lực và tuyệt vọng… Có thể em đã có ý nghĩ căm thù bản tính nhu nhược lẫn con người nhút nhát trong anh… Anh có biết đã bao lần bản năng em gào thét khao khát được hiến dâng cho tình yêu của mình… những cơn sóng xúc cảm dâng trong lòng em sẽ trở thành những con sóng tình yêu thực thụ… nếu được một lần anh tự nguyện đáp trả… nhưng em đều phải đắng cay nuốt ngược tủi hờn vào trong dạ, bởi em là phận gái, mà anh thì mỗi lần có cơ hội gặp gỡ đều tỏ ra bí ẩn, né tránh bộc lộ tình cảm của mình… Đến tận bay giờ anh ngồi đây, em vẫn có cảm giác như thủa đó. Anh ác lắm Dương Tử ạ.
Lặng lẽ nhấp ngụm nước trà, vị chát đắng đọng lại trên đầu lưỡi khiến Thuỳ Dương nhăn mặt, hơi nóng của chén nước phả ra làm em ửng hồng đôi má, giọng em dịu đi đôi chút. Tôi chợt thấy thích thú với hành động vô thức vừa rồi dù chỉ thoáng qua giây lát trên khuôn trăng ngời ngợi của em.
Em bước theo chồng, đám rước qua ngõ nhà tôi, mẹ tôi lặng lẽ giấu mình trong đám tiễn dâu, mẹ không thể tin rằng kẻ ôm bó hoa đi bên cạnh em khi ấy không phải là tôi. Đám rước đi qua, xác pháo vương dọc ngõ, đôi mảnh vụn đỏ tươi theo gió bay về đậu trên giàn trầu mẹ tôi trồng từ lâu, dù bà không biết ăn trầu…
Mẹ chỉ thấy tôi lao vào cuộc mưu sinh như một con thiêu thân thấy ánh lửa, vật lộn, ngoi ngóp đủ thứ nghề “Chắc chỉ để giữ trọn lời hứa với con bé” - Mẹ tôi thường thở dài và chép miệng than thở với bố tôi như vậy.
Chẳng ai thấy dòng sinh dưỡng trong chiếc chén tàng hình quê tôi đã nuôi tôi khôn lớn, vững vàng trên con đường tôi cùng em đã dày công vun đắp dựng xây từ ấu thơ!.   
Chiếc lưỡi rát rạt vì phải bỏng, đó chính là nỗi đau bản thể của riêng tôi, em không thể biết và cũng không thể chia sẻ được, tôi rất muốn uống cùng em nốt chén trà này nhưng không thể, vết thương vẫn đang nhức nhối trong vòm họng tôi.
- Làm mẹ của ba đứa con, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, ai cũng bảo em hạnh phúc. Anh thấy đó, một mình em vật lộn, bươn trải vừa nuôi con, vừa làm việc, quỹ thời gian không cho phép một phút nghỉ ngơi… Trường học cung cấp lượng kiến thức không đủ đáp ứng cho nhu cầu công việc của em, gia đình mới không thể cho em trọn vẹn sự thanh thản trong tâm hồn, sẽ chẳng có nốt nhạc nào nảy nở, khi trong mình lúc nào cũng cảm giác thấy thiếu một điều gì đó… Anh sẽ cười khi em từ bỏ công việc giảng dạy nhàn hạ của mình để lao vào con đường kinh doanh đầy gian nan may rủi phải không?... Em không muốn đứng trên bục giảng hướng dẫn, luyện tập cho hàng trăm em nhỏ, hàng trăm cái đầu non nớt, thơ ngây những nốt nhạc vô hồn trên mặt giấy, những thanh âm mơ hồ nhàm chán phát ra từ các đầu ngón tay chứ không phải từ trái tim em. Đó là bi kịch lớn nhất của đời người thầy phải không anh?
Tiếng nước chảy lách tách từ bình pha vào chén loang khắp căn phòng, hơi nước bám vào miếng kính thu ánh sáng đọng thành giọt, chảy dài - nước mắt của kính.
Thuỳ Dương ngồi lặng trước chén trà đã đầy tràn trề, hình như em cũng không biết, nước trà vàng sánh qua miệng chén chao chát xuống mặt bàn, rồi nhỏ tí tách xuống nền căn phòng.
Tôi cũng đã từng trải qua nhiều đêm như thế, ngồi một mình với chiếc bóng của mình, rót những chén rượu đắng tràn trề lên mặt đất, đó đâu phải là bi kịch của riêng ai, đó chỉ là một thứ ảo tưởng của mỗi người, phản chiếu lại tấm gương lớn mang tính xã hội bậc cao. Mỗi người đều có cuộc sống của riêng mình, những góc khuất của riêng tâm hồn, khó có thể nhận thức hay hiểu biết tường tận về nó, đó là những ẩn ức bản năng mang tính cố hữu, cũng có thể chỉ là những sự sao chép có tính chọn lọc của vô thức từ hàng tỷ, tỷ xung đột từ các mối quan hệ diễn ra xung quanh hàng giây.
-  Giờ đây mọi thứ đã thay đổi như anh thấy - Giọng em chợt trầm lại, phảng phất nỗi phiền muộn, sầu não - Đó chỉ là thứ trang sức diêm dúa hờ hững khoác che cho thứ vỏ đậy bên ngoài sự thật cuộc sống. Chúng ta sống mà như không phải cho ta, chúng ta quay cuồng đến chóng mặt cho những ảo tưởng thảm hại nhất, tàn ác nhất với chính bản thân chúng ta, dù không ai muốn. Điều đó anh hiểu hơn ai hết!
Chút hơi ấm toát ra bên ngoài lớp men rạn của chiếc chén uống trà cổ, truyền qua lòng bàn tay, sưởi ấm được phần nào cho cơ thể vốn dĩ tàn tạ đến mức nếu có soi gương ngắm nghía tôi cũng chẳng nhận ra khuôn mặt của tôi mười mấy năm trước, nó đã bị bụi thời gian ăn mòn, lỗ chỗ, cùng tác động của cuộc mưu sinh, của sự tha hoá xã hội giằng xé nham nhở. Nếu chiếc chén đựng trà này khi ra khỏi lò nung có bao nhiêu vết rạn thì ngàn triệu năm sau vẫn thế, nhưng chiếc chén đang chi phối mọi hành động của tôi thì mỗi ngày, mỗi sát na trôi qua đều tự tạo ra cho bản thân nó những vết rạn nứt mới.                         
Hiểu biết được thì là thần, là thánh. Không hiểu biết, tôi thuộc hạng phàm phu tục tử, nhưng bệnh hoạn thay cho những kẻ cố vin vào những điều không tưởng nhất, hão huyền tới mức cuồng tín, sùng bái mê muội những thứ lẽ ra cuộc đời đã ném bỏ, văn minh nhân loại đã thiêu đốt thành tro tàn, vẫn đêm ngày ngưỡng thánh ngợi thần không dám dứt mình khỏi nỗi nhục vong nhân.
Tôi là phàm phu, bởi chiếc chén tôi được rót đầy ứ dòng nước lọc từ chiếc ao chén khổng lồ quê tôi, sống và tồn tại được bởi nguồn sinh dưỡng từ chiếc chén vô hình quá khứ.
Tôi là tục tử bởi chiếc chén tôi dã tinh lọc cho riêng mình, không chia sẻ cho ai.
Biển người nhốn nháo. Biển đời nhốn nháo. Chiếc chén tôi phải nổi lênh …
 - Dương Tử ạ, anh nên thay đổi quan điểm sống của mình, nếu không suốt cuộc đời này em sẽ luôn cảm thấy bị giày vò bởi ý nghĩ mình là người có lỗi. Cuộc sống đã cướp đi từ em nhiều thứ, em ném trả lại cho đời mọi thứ, nhưng em không muốn chút hy vọng cuối cùng nơi em biến mất hoàn toàn. Anh hãy biết bằng lòng với gì mình đã có và đang có… có thể em sẽ thấy mình hạnh phúc hơn… Anh uống nước đi chứ - Thuỳ Dương ngừng lời, lặng lẽ nhìn xuống chiếc gương nước vừa loang rộng trên mặt bàn. Có thể em đã bắt gặp ánh nhìn của tôi trong đó, hai gò má bừng lên phơn phớt sắc hồng.
Lặng lẽ nâng chén trà lên môi, mùi hương thanh khiết, thơm lâng lâng làm dịu đi chút thương tổn vừa rồi trong vòm miệng, thận trọng nhấp từng ngụm nhỏ, tôi bất chợt nghe được từng tiếng tơ lòng đang se sẽ ngân nga những giai điệu thật lạ lùng…
- Hãy thứ lỗi cho em, cổ phiếu công ty em đầu tư rớt giá thảm hại. Em đang trên đường bay vào đó để trực tiếp giải quyết một số thủ tục cho số vốn ngót trăm tỷ cần phải có để cứu nó. Hẹn gặp lại anh sau!… dòng tin nhắn trên màn hình chiếc máy tính quét thành vòng tròn liên tục, không dứt thông báo cho tôi lượng thông tin cần thiết nhất – em đã rời khỏi căn phòng!
Chiếc chén tôi sẽ còn lênh đênh vì em… có thể ngày mai… có thể ngày kia… có thể một ngày nào đó khi vết rạn cuối cùng vượt ngưỡng tôi, chiếc chén tôi sẽ vỡ toang, bởi bản chất sâu kín của những vết rạn này khởi phát từ bên trong lòng chén… chúng lại là yếu tố thuần khiết nhất cấu thành nên tôi.
Tôi chỉ thực sự tiếc cho em, người tôi từng yêu mến đã không biết giữ lại cho mình những tinh túy của dòng sinh dưỡng chảy ra từ chiếc chén làng tôi... Chắc chắn ngày mai, hai chiếc chén tôi và em sẽ phải gặp nhau ở một điểm nào đó trong tận cùng chiếc chén vô hình, nhưng mãi mãi không thể trùng nhau bởi giờ đây chiếc chén làng tôi đã phân hóa thành hai thái cực.
Tôi ngậm ngùi nghĩ vậy.



TRẦN XUÂN ĐẠT
Văn Giang – Hưng Yên
Điện thoại: 0989.60.40.74
Sinh năm 1974 tại Hưng Yên
Nghề: Kỹ sư Cơ Điện
Công việc hiện tại: Họa sĩ vẽ bìa – Chế bản điện tử
Giải thưởng: Giải Nhì (không có giải Nhất)
cuộc thi Sáng tác Văn học Trẻ năm 2006 - 2007
báo Văn nghệ Hạ Long (Hội VHNT Quảng Ninh)

Tác phẩm chính đã xuất bản:
·         Mắt Sâm Cầm (thơ) - Nxb Công an Nhân dân 2007
·         Phan Tộc Phả (biên soạn) Nxb Lao Động 2008





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét