Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

Giấc Bòng Bong - Truyện ngắn của TRẦN XUÂN ĐẠT

1


Giấc Bòng Bong

            Truyện ngắn của TRẦN XUÂN ĐẠT

Tôi cất bước ra đi không hẹn ngày trở lại.
Xa xa phía Cồn Hến tiếng máy xúc vẫn hối hả, húc đổ, nạo phá nền móng từng ngôi nhà trong diện giải toả. Tiếng răng gầu rin rít cạo mài lớp đá lót nền, hoà lẫn trong tiếng sóng triều ì oạp táp vách đá chân cồn, dội lại như tiếng cứa dây thừng của lũ trẻ trâu hay bày trò nghịch ngợm, người yếu bóng vía nghe sởn gai ốc.
Hành trang cho cuộc ra đi gói gọn trong chiếc ba lô kỷ niệm của cha những ngày nằm Rừng Sác, một túi vải hoa mẹ dùng ngày cưới đựng quần áo, cùng ít đồ cá nhân, vài cuốn sách cũ kỷ niệm thời sinh viên tôi chưa lỡ bỏ, bên dưới là tấm di ảnh cha và mẹ.
Dương Tử nhỏ thó lấn bấn giữa đôi nạng gỗ với chiếc xe lăn, khuôn mặt vốn dĩ nhăn nhúm so lệch bởi di chứng diôxin, trông càng nhăn nhó, tội nghiệp. Duy chỉ có đôi mắt là biểu lộ trọn vẹn cảm xúc bồn chồn, lo lắng trước chuyến đi. Đôi tay càng cua xăng xái cởi cái nọ, buộc cái kia, mong xắp xếp lại một lô những chai, lọ, giá vẽ mà tôi đã chật vật gói gém chuẩn bị hàng tuần trời.
 Từ nhỏ, tuy thân thể lộ đầy dị tật nhưng bản chất hiếu động trong con người chú không vì thế tỏ ra lười vận động. Khi cứng cáp hơn, có thể ngồi trong chiếc xe lăn tự di chuyển lấy thì căn nhà 3 gian với vạt sân rộng hơn 30 mét vuông đầy vỏ hà, vỏ điệp và lúc nào cũng tanh nồng mùi chượp cá của gia đình tôi không còn đủ chỗ. Chú tha thẩn khám phá mọi nơi, và cũng nghịch ngợm, ương ổi như bất cứ một đứa trẻ cùng trang, cùng lứa. Không ít lần tôi phải hứng chịu những trận đòn oan vì lơ đãng để chú lò dò lăn xe ra tận bến cá.

Nhà chỉ có hai anh em, tôi may mắn ra đời trước khoảng mười năm, khi ấy cha là thuyền trưởng của một đội tàu đánh cá có tiếng trong vạn, với kinh nghiệm sông nước đầy mình, sức vóc của trai miền biển có thể vác nổi sọt cá nặng hàng tạ, cùng bản lĩnh “gan liền tướng quân” tỏ rõ can trường trong mọi cuộc đối mặt, vật lộn với thiên nhiên, đem sức mạnh con người đọ với biển cả hung dữ để giành giật lấy từng con cá nhỏ từ trùng khơi đem về cho dân vạn, cha tôi được mọi người rất kính trọng, vì nể.
Dương Tử ra đời không may mắn như tôi, không được hưởng sự chăm sóc của cha, ngày sinh chú cũng là ngày giấy báo tử từ mặt trận phía nam đưa về, khẳng định cha tôi đã hi sinh trong trận càn dữ dội của phía bên kia vào khu căn cứ Rừng Sác nơi ém quân. Chiếc ba lô được người thương binh có tên gọi rất ấn tượng (đặc trưng của dân biển quê tôi, sau này đã thân quen tôi vẫn hay đùa gọi chú Sam Sam) đến đưa tin trang trọng đặt trên bàn thờ. Ba nén hương đốt lên vội vã. Chú thương binh khóc nấc như đứa trẻ rồi quỳ mọp trước bàn thờ, hình như đang lầm rầm khấn khứa, hay đang thầm thì với cha tôi về một điều gì đó hệ trọng lắm, có lẽ tôi còn quá bé để hiểu được. Rồi quay qua kéo tôi về phía bãi cỏ lác, bất chấp từng luồng gió bấc thốc vào từ phía biển khơi, quần quật đập, xé đến tơ tướp cọng dừa, một mình tất tả chạy ngược luồng gió, đuổi nhặt từng thân cói khô trắng, còn nham nháp tinh muối đang bay tung toé khắp nơi, tết thành chiếc vòng nhỏ như kiểu lũ trẻ chúng tôi vẫn tết để giữ lửa sưởi trong những ngày đông rét, xong việc chụp lên chỏm tóc vàng hoe nắng gió của tôi, bắt tôi phải mang theo ra bụi tre đầu vạn. Dọc đường đi, chú Sam vẫn lầm lì như thể tôi vừa phạm một lỗi lầm gì đó rất quan trọng trong chuyện này.
 Trong khi tôi cố tỏ vẻ ngứa ngáy, khó chịu với việc phải đội chiếc mũ cói vừa tết trên đầu, chiếc mũ mà đám trẻ chúng tôi vẫn thường bắt bọn con gái trong vạn đội để chúng hoá thành nàng công chúa trong cổ tích, nhưng là những cây cỏ xanh mượt, mềm mại chứ không cục kịch, xấu xí, thô ráp như chiếc mũ này. Mặc tôi phụng phịu, thắc mắc, chú Sam vẫn loay hoay đo, ướm, rồi chọn một cây tre nhỏ già sọm, cật gióng đã nên nước vàng óng chặt lấy một đoạn vừa thân tôi rủ rỉ:
- Bố con có một mình con là con trai, nên khi mất, con phải là người đội mũ tang, chống gậy tang, mặc áo xô tang đứng trước vong linh bố, thay bố con trả lễ cho bà con họ mạc khi họ đến thắp hương phúng viếng đấy.
 Dọc đường về nhà, chú Sam tranh thủ hướng dẫn cho tôi từng động tác, từng phần việc đáp lễ, trả lễ cho bà con trong vạn như thế nào, vừa đon đả đáp lại những câu hỏi, lời chào của mọi người. Bước chân vừa đến cổng ngõ, lại tất tả với mọi thứ chuẩn bị lễ truy điệu cho cha tôi, một mình tất bật ra, vào lo từ ấm nước trà lá đến sắp đặt tất cả mọi công việc to nhỏ trong nhà.
Mẹ ôm chặt Dương Tử  nằm bẹp trên giường. 
Sau đám tang cha, chú Sam Sam vẫn thường qua lại giúp tôi chăm sóc mẹ và Dương Tử, đối xử với tôi bằng tình cảm của một người bạn chân thành, bình đẳng điều đó khiến tôi rất cảm động. Chú Sam Sam hay kể về tuổi thơ của chú Sam và bố, rồi những chuyến hai người lênh đênh trên biển hàng tháng ròng, dò dẫm theo dấu vết luồng cá. Qua lời kể ấm áp, tôi có thể cảm thấy rõ ràng hơi thở biển mặn mòi, phả vào tâm cảm thứ hương nồng nàn, ấm áp rất riêng của biển trong những đêm mùa đông, cảm giác say chuếch choáng mỗi khi con tàu lướt qua vùng sóng lừng, cả những giây phút thảnh thơi, hê hả khi vừa đưa tàu vượt qua cơn bão ác, tựa lưng vào mạn nghe xương cốt rã rượi, mặc từng con sóng to như trái núi sầm sập tung bọt trắng lốp, vọt qua đầu. Tôi còn có thể nghe thấy tiếng của cha tôi thì thào trò chuyện trong những ngày tháng ngâm mình trong rừng đước, rừng tràm chờ lệnh tiến quân. Hình dung ra bóng dáng hai người lính đặc công đồng hương ấy hễ có dịp là tìm đến bên nhau thủ thỉ chuyện vợ con, chuyện quê hương đổi thay ngày trở về. Hơi thở chiến tranh thoảng qua đời chú Sam Sam như một cơn gió thốc!
 Duy thái độ chú Sam Sam dành cho mẹ tôi và Dương Tử là có phần dửng dưng. Hao hao giống  những người dân trong vạn, từ khi mẹ tôi mang bụng bầu, ì ạch đi lại trên bến cá.

Dương Tử hồn nhiên lớn lên trong sự ghẻ lạnh của người đời, nơi đâu chú xuất hiện, là nơi đó nổi lên tiếng xì xèo bàn tán, nhất là các bà, các cô hay ngồi lê đôi mách trên bến cá đợi tàu, thuyền của chồng, con họ từ khơi xa trở về. Họ rỗi việc, nhiều thời gian dư thừa, chẳng biết làm gì, đành quay qua săn lùng những câu chuyện lạ mắt, lạ tai, kiếm chuyện kể cho nhau nghe, làm trò tiêu khiển. Qua cái miệng ham thêu dệt đó, thì một chuyện cỏn con trong nhà, như việc đêm qua ông chồng say rượu tuý luý, nửa đêm khát nước, tu nhầm phải niêu nước lá thị, ả đun để dành tắm chữa bệnh chốc ghẻ cho con bé mà không biết, mãi gần sáng, mũi ả chợt phát hiện thấy mùi xú uế ngập ngụa cả gian nhà, nhìn sang ông chồng thấy vẫn vô tư ngửa cổ, há mồm ngáy pho pho, nhưng lỗ đít thì không ngớt tuôn ra hàng tràng rắm thối mà không hề biết. Thì những trận cười lại được cớ vọt ra, bung oà, hệt đám nấm đất nở trắng sau mỗi cơn mưa. Những câu chuyện đại loại như vậy có sức thu hút đám đông các bà, các cô trong vạn đến kỳ lạ, là dịp họ được cười xả hơi, hết cỡ, không ít bà, ít cô thận yếu ham vui, gặp phải đám này, mải cười góp đến nỗi vãi đái ra quần ướt sũng cả chỗ ngồi mà không biết.
    Trong ánh mắt họ, Dương Tử chỉ là một thứ sinh vật quái dị đại diện cho sự trả thù khốc liệt của biển cả, một sự trách phạt của thần linh giáng xuống cảnh cáo những người đàn bà không chung thuỷ với chồng, phản bội lại đức tin của họ. Một người đàn bà như vậy chỉ đáng làm vật hiến tế cho thần sông, thần biển, là đích hướng tới cho mọi sự rủa nguyền, trút hận mông muội của bất kỳ ai tự cho rằng mình trong sạch, và tự cảm thấy quyền lực, lòng tự trọng của mình sẽ được nâng cao hơn nữa, khi họ dám công khai phỉ nhổ vào những hạng người đó. Và người đàn bà đó mặc nhiên trở thành sự hiện thân nhớp nhúa của bản năng vật dục, của những chung đụng xác thịt thấp hèn, trái ngược hẳn với nếp sống ngàn năm nay của dân vạn. Cần phải ruồng rẫy, cô lập và xa lánh, mong tránh đi tai ách từ biển cả sẽ rình rập đổ ập lên đầu họ, người thân của họ bất cứ lúc nào.
    Số phận tước đi nhiều thứ của một con người sinh vật bình thường trên cơ thể chú. Nhưng bù lại trong tâm hồn, cái gốc bản năng sống mãnh liệt, giúp chú quên đi nỗi ám ảnh dằn vặt vì dị tật. Thể xác dù đớn đau, quặt quẹo cũng không khiến chú để tâm nhiều, chú hồ hởi lăn xả vào cuộc sống, quan sát, cảm nhận sự thay đổi vi diệu, đang diễn ra hàng ngày xung quanh mọi người, rồi vuột trôi đi không hề lưu lại, dù là một dấu tích nhỏ nhoi…

    Trong chuyến đi lần này, tôi không cho chú biết rõ căn nguyên, có lẽ bằng linh cảm và óc quan sát, thấy thái độ ngày một căng thẳng của tôi sau mỗi lần tiếp chuyện tay Chủ tịch xã, cùng một lô những vị khách mặt mũi bặm trợn, ngạo nghễ thăm viếng, nghiêng ngó săm soi từng ngóc ngách khu đất. Chú láng máng hiểu rằng chúng tôi sắp phải hứng chịu một biến cố ghê gớm sau bước chân ông Chủ tịch. Câu nói nặng nhọc, bặm trợn, âm u cố tỏ rõ quyền uy của một đấng bề trên như đóng chốt vào tai người nghe, ám ảnh chú triền miên.
- Khu đất này là một quần thể di tích quan trọng của xã ta. Trước kia còn có một cái đền thờ quan ngài ở đây, trải qua các cuộc chiến tranh từ thời ông Trần Quốc Công lập trại chống quân giặc tàu, bị địch tàn phá nặng nề…mới có bãi cọc gỗ dưới lòng sông trước vạn ta… Gia phả dòng họ nhà tôi còn ghi rành rành ra đó… Nên nó thuộc đất trùng tu di sản theo điều lệ của xã đã quy ước… đã được biểu quyết qua cuộc họp nhân dân hôm rồi…bố mẹ các anh ngày trước được xã cho ở nhờ trên khu đất này, lại không biết điều thờ phượng quan ngài, nên ngài quở phạt thằng em anh ra như thế đó…Nếu các anh không tin sáng mai tôi cho mời lên uỷ ban xã đối chứng với gia phả dòng họ…xã chấp nhận giá đền bù đó là vì uy đức của quan ngài thôi… chứ đằng thẳng ra như tớ là tớ thu trắng các cậu phải chịu, vì di sản đó thuộc về xã, tớ thay mặt xã thi hành phận sự…cóc ai làm gì được tớ..hư .. hư.. …phải không nào… híc…hic..?
Rồi ông hăm hở bước đi, chẳng cần biết đến thái độ của chúng dân ra sao. Nhưng đôi mắt đỏ ké của ông thì vẫn còn rơi lại lơ lửng trên từng tấm phên che ngôi nhà, nó mở to thô lố, man dã nhìn chằm chằm vào thân hình quắt queo, đầy dị tật, đôi tay còng queo huơ huơ chới với, cuống quýt như càng con tôm sú đang giương ra một cách tuyệt vọng nhằm chống trả sự tấn công của kẻ săn mồi vô hình. Cảm giác ghê rợn đó khiến chú hãi hùng không dám đẩy xe tha thẩn quanh vạn như trước nữa.
Tôi chấp nhận quyết định di rời đến một nơi ở mới. Một phần tôi đã chán ngấy những khuôn mặt, giọng điệu của đám người này, một phần cũng vì sức khoẻ của chú cần có một môi trường sống thân thiện hơn và điều cốt yếu nhất, chúng tôi sẽ có một khoản tiền để thuốc thang chữa chạy cho chú.
Căn nhà chúng tôi thuê của một goá phụ còn trẻ, tường bao xây bằng thứ gạch đất trộn lá cỏ gianh cũ kỹ đến hàng thế kỷ, mái lợp ngói móc, nung thủ công bằng đất đồi trộn than bột, cong cong, vênh váo. Rêu loang lổ, những viên ngói đè ép lên nhau hơ hoác, tuềnh toàng. Ngôi nhà lạc lõng bên lưng sườn hòn núi đá lở lói, lối vào tun hút chạy giữa hai vạt thông quanh năm xanh um tùm. Khác hẳn những căn nhà theo kiến trúc tây phương xây giả biệt thự, nhiều kiểu dáng lạ mắt chạy dọc theo con đường chính dẫn vào nơi đây, đêm ngày tưng bừng ánh điện, ánh gương kính phản chiếu. Phía xa xa là mặt biển trắng nhờ sương, lô xô nhiều mỏm đá đen xịt, với những hình thù quái dị.
- Tôi đồng ý cho các anh thuê với một điều kiện, không được dắt theo đám trai gái đến đú đởn trong căn nhà này. Bà quả phụ có khuôn mặt nhàu nhĩ và đôi mắt sắc lẻm nhìn lướt qua mặt tôi rồi lạnh lùng cúi xuống, di di hai gót chân nhỏ xíu, trắng hồng vào nhau, hình như bà không muốn giấu đi hai ngón chân cái toẽ ra vuông vức chẳng phù hợp với khuôn dáng thon thả của hai bàn chân tẹo nào. Sau này tôi mới hiểu lý do đặc biệt mà bà đưa ra kể cũng không thừa, bởi kề sát bên hông cửa sổ là khu nhà trọ hổ lốn của đám cửu vạn và các cô tiếp viên ngoại tỉnh, suốt ngày ầm ĩ tiếng cãi cọ, chửi rủa đánh lộn nhau tranh giành mối khách.
 Đổ xuôi theo chân núi là khu phố du lịch sầm uất, quanh năm náo nhiệt, ầm ã. Tấp nập kẻ mua, người bán, đủ mọi thứ hạng. Đám khách đi tua, thong thả dập dìu chân bước, thả sức ngó nghiêng sục sạo sờ nắn mọi nơi, chốn bất kể sự hướng dẫn của nhân viên Sở du lịch, đám khách thương nhân thì có vẻ ít ồn ã hơn, họ không thích đi rông ngoài phố, những khách sạn mini, quán cà phê, nhà nghỉ cao cấp là chốn đi về buôn bán của họ.
Cuộc sống mới đến với chúng tôi tương đối dễ chịu.
Duy có ngôi nhà lắm ngóc ngách, cùng bạt sân hơn 10 m2 nhỏ xíu chênh vênh trên sườn núi là trở ngại chính, gây nhiều bất tiện cho sự di chuyển của Dương Tử. Chú bỏ hẳn thói quen đẩy xe đi dạo như trước, thay vào đó, là thời gian cho việc vẽ tranh mà chú yêu thích từ nhỏ, thảng hoặc có lúc chú ngồi hàng buổi, đăm chiêu nhìn mặt biển mờ sương qua chiếc ống nhòm chú tự mày mò chế tạo bằng việc tỉ mỉ ghép từng mảnh gương vỡ và các ống lon, vỏ hộp nhặt nhạnh trong các xó xỉnh của ngôi nhà.
Tôi hoàn toàn yên tâm dành trọn vẹn tâm trí cho công việc sáng tác của mình. Thế giới nhân vật trong các câu chuyện của tôi như có phép màu, ào ạt xô về trang viết, các sự kiện lúc nào cũng ăm ắp trong đầu. Đôi tập truỵên ngắn, vài cuốn tiểu thuyết ra đời, xuất hiện liên tục trên các giá sách, sạp báo, theo chân đám bán sách rong len lỏi khắp các nẻo phố trong một khoảng thời gian ngắn đã đưa tên tuổi tôi nổi như váng gạch cua trong bát canh của lão chủ quán bán bún riêu đầu phố mới. Mỗi tờ giấp phép xuất bản có con dấu đỏ chói bay về là niềm vui tưởng chừng bất tận với tôi, nhưng cũng đồng nghĩa với sự hao mòn vô hình của túi tiền vốn dĩ đã vơi dần sau mỗi đầu sách.
 Niềm tin bồng bột vào việc tự vắt kiệt sức mình kiếm sống trên trang giấy hoàn toàn phá sản khi bà chủ nhà nhắc nợ món tiền trọ chúng tôi đã chậm từ vài ba tháng trước.
Vẫn trong tư thế, điệu bộ y hệt lần đầu nói chuyện cùng tôi, đôi gót chân nhỏ nhắn của bà vẫn không ngừng di di vào nhau ám ảnh, day dứt. Có khác chăng ánh mắt sắc lẻm của bà không còn dừng lại trên khuôn mặt tôi mà nhẹ nhàng rơi trong khoảng không gian nơi Dương Tử đang ngồi cần mẫn di từng nét cọ. Bà khẽ khàng nói như thể đang tâm sự cùng ai đó không phải với tôi.
- Nếu các cậu không còn đủ khả năng trả tiền nhà cho tôi… bây giờ tôi vẫn có khả năng cho các cậu chịu lại… nhưng… tôi nói thực cậu đừng tự ái… cậu nên để mắt tới Dương Tử hơn… dạo này cậu ấy có vẻ yếu ớt quá…
- Vâng tôi sẽ cố gắng thu xếp, cám ơn bà… - Tôi trả lời như một cái máy - Chỉ vài ba hôm nữa bán được sách, tôi sẽ có tiền trả bà… 
 - Là tôi nói thế thôi… chứ trông hòng gì vào mấy cuốn sách của cậu. Thiên hạ bây giờ người ta nhao cả vào làm ăn, ai còn thời gian, tiền bạc mà mua mấy thứ ba lăng nhăng đó… tôi thấy tranh của Dương Tử vẽ cũng khá đấy… hay hôm nào cậu thử đem xuống phố gửi các cửa hàng bán tranh xem sao.
- Vâng thưa bà hôm nao rảnh tôi sẽ thử… - tôi trả lời qua quýt cốt cho xong câu chuyện, bởi tôi thừa biết những người ru rú trong cái xó rừng này, làm sao có đủ trình độ thưởng lãm văn chương nghệ thuật. Ngay nơi phồn hoa đô hội, đầy kẻ có bạc tỷ, chẳng biết làm gì cho hết thời gian rỗi rãi, đành đi tìm thú vui trong các trò cờ bạc, trai gái đĩ bợm, lấy đó làm thước đo cho sự sang hèn. Hoạ chăng có bỏ ra vài mươi nghìn đồng rách mua một cuốn sách chỉ để làm đẹp còn trù chừ suy tính đến mức phát phiền, phát bực thì những bức tranh kia đâu còn chỗ. Hơn nữa Dương Tử chỉ vẽ theo ý thích của riêng mình không được kinh qua một trường ốc nào, đèo bòng xuống núi hoạ chăng thiên hạ cười cho ủng mũi.
Chừng cũng đoán được thái độ của tôi không lấy gì làm mặn mà với câu chuyện, bà nén tiếng thở dài qua câu nói vấp váp.
 - Hay cậu nghe tôi tính… tính thế này, bức tranh của Dương Tử … cậu cho  tôi mua bằng 5 tháng tiền nhà… trừ nợ cho các cậu vậy.
- Vâng trong đống tranh của chú ấy bà có thể chọn lấy bất cứ bức nào mà bà cảm thấy thích - Tôi cay đắng cười nửa miệng, cố tỏ ra rằng mình đang đi guốc trong bụng bà ta, hành động mua tranh chẳng qua chỉ là một hình thức bắt nợ của những mụ đàn bà kệch cỡm hám lợi.
Trong góc nhà Dương Tử vừa hoàn thành bức vẽ, chú lệt xệt đẩy lui xe ra xa ngắm nghía, đôi mắt mở to như muốn chìm sâu vào tận cùng lớp toan trắng lốp, ẩn dưới lớp lớp sơn màu thô mộc,vụng về. Chú không vui khi bắt gặp ánh mắt u uẩn của tôi lướt nhanh qua bức tranh. Miệng chú nhệch ra, trên khuôn mặt teo tóp, lớp da trước trán bị kéo căng thái quá khiến đám tóc trên đỉnh đầu dựng đứng, lởm chởm, đôi tay buông rơi cây cọ, tự đấm thùm thụp vào ngực mình rồi điên cuồng cào xé, vài vệt máu đỏ thẫm ri rỉ chảy ra từ những vết cào xước trên thân thể chú làm tôi phát hoảng.
Người đàn bà nhanh nhẹn lao tới bên Dương Tử, nhẹ nhàng giữ chặt đôi tay bấn loạn của chú, rồi ôm ghì tấm thân mảnh dẻ te tua, đang co giật lăn lộn vào lòng mình. Đôi tay mềm mại của người đàn bà thành liều thuốc hiệu nghiệm, kéo chú ra khỏi cơn kích động, chú ngoan ngoãn như một đứa trẻ lả thiếp đi trên tay bà goá phụ. 
    Lần đầu tiên trong đời chú rơi vào trạng thái bị kích động thái quá như vậy, khiến tôi lúng túng không biết nên xử trí thế nào, tay chân luống cuống vụng về y trang một gã người máy chỉ biết răm rắp tuân theo mọi mệnh lệnh điều khiển. Trong khi đó bà vừa vỗ về, chăm sóc Dương Tử bằng những lời lầm rầm độc thoại, khi tha thiết chan chứa, khi hờn dỗi da diết, vừa tận tình chỉ bảo cho tôi cách pha chế thuốc giải, cách xoa dầu, bấm huyệt, trong những trường hợp như thế.
    Cơn kinh động qua đi, Dương Tử tỏ ra đặc biệt quyến luyến, chẳng đợi lời đề nghị của tôi, cũng chẳng cần tôi phụ giúp tháo dỡ, gói gém bức tranh vừa hoàn thiện, lẳng lặng làm tất cả mọi công việc đó bằng nỗ lực của mình và trao nó cho bà trong niềm vui sướng, hãnh diện của riêng chú.
     Thoát khỏi nỗi lo ngay ngáy về món nợ tiền thuê nhà, tôi lại phải đối mặt với nỗi lo thường trực hàng ngày để duy trì cuộc sống và tiền chi trả cho các quầy thuốc tân dược trong phố, giờ họ đã coi tôi như khách hàng ruột của mình, không thể lợi dụng lòng tốt của họ mãi được, lang thang vật vờ qua các hiệu sách, tôi chỉ dám đứng nhìn những đứa con tinh thần của mình nằm ngủ say sưa dưới lớp bụi đen mờ mà không dám cất tiếng hỏi tiền ký thác.
    Nghĩ về Dương Tử đang đuối dần về thể xác cũng như sức khoẻ cùng đống tranh dày thêm theo thời gian, trong tôi lại nhói lên nỗi xa xót, ân hận về quyết định sai lầm trước kia. Nếu tôi cương quyết hơn với lão Chủ tịch xã, dám mạnh mẽ lên tiếng đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, vạch trần bộ mặt tham lam đểu giả cùng những thủ đoạn lừa bịp xảo quệt, trắng trợn của gã, thì giờ đây đâu phải mang thân phận của kẻ vô gia cư, thoi thóp sống dựa vào lòng từ bi của thiên hạ. Mà lòng tốt trong thiên hạ đâu phải lúc nào cũng có sẵn, nó hiếm hoi như giọt nước ngọt trên đồng muối mặn, những thất bại triền miên trong quãng đường mưu sinh, duy trì cuộc sống đã dạy tôi bài học đó…
    Miên man trong dòng ý nghĩ, tôi lê bước về trước cổng nhà trọ tự lúc nào chẳng biết. Đón tôi trong khung chiều chạng vạng là đôi mắt đen láy, mở to đầy vẻ thích thú của cô gái lạ hơ, lạ hoắc, tuổi chừng mươi tám, có dáng vóc thon thả, khuôn mặt trắng rạng ngời ào ra líu tíu.
    - Chào ông hoạ sĩ. Ông là hoạ sĩ Dương Tử có phải không ạ. Em đoán không nhầm mà… thoạt nhìn thấy ông, em biết ngay, ông rất giống người trong tưởng tượng của em khi em được xem bức tranh ông vẽ... Ba con em đã đợi ông hơn hai tiếng đồng hồ rồi… đang nóng lòng mong gặp ông đấy - Chẳng để tôi kịp phân bua, giải thích về sự lầm lẫn, hoặc hỏi han trình bày cho rõ đầu đuôi câu chuyện, cô xoắn xuýt ôm chặt cánh tay tôi, dẫn vào phía ngôi nhà tôi đang trọ miệng vẫn không ngớt chuyện – Khi em được vinh dự xem bức tranh đó của ông, em nghĩ ông còn già tuổi hơn nữa cơ… ông có biết cảm xúc của em khi ấy thế nào không, em thấy mình đang độc bước trên một con đường khuya vắng giữa cơn giông tố, đầy chớp loè và sấm sét, tuyệt vọng đến cùng cực vì nỗi sợ hãi đang xâm chiếm dần trí óc, em bất chợt nghe tiếng gọi rất khẩn thiết của chàng lãng tử uy phong mã thượng vọng lại từ phía bức tranh, người đó… trông cũng hao hao giống ông… Ông đừng cười em ăn nói huyên thiên nhé... Chỉ vì em mừng quá đi mất…mà ông đểnh đoảng thế, đi vắng khỏi nhà lâu như vậy mà chẳng chịu đóng cửa… ông đúng là nghệ sỹ có khác… Người ngồi kia là ba em đó - Cô giơ tay vẫy vẫy ra hiệu với người đàn ông đang đứng trầm ngâm trước khung giá vẽ của Dương Tử . Ông ta vui vẻ mỉm cười với tôi.
    - Xin chào hoạ sĩ trẻ, Được sự giới thiệu của bà chủ Tô Ngân Đường ở đây về tài năng hội hoạ của anh, và cũng đã được vinh hạnh chiêm ngưỡng kiệt tác hội hoạ đó tại garlerry Tô Ngân Đường, nay xin mạn phép tự giới thiệu, tôi là Giang Nam trợ lý số 1 của hãng truyền thông CNN. Còn đây cô con gái tôi, Giang Giang đang theo học năm thứ nhất khoa bảo tồn nghiên cứu văn hoá Á Đông. Chúng tôi đang trong kỳ nghỉ mát…
    - Hân hạnh được biết ông… - Tôi ấp úng trả lời, láng máng hiểu ra phần nào câu chuyện và nguyên nhân của sự lầm lẫn này. Bà chủ Tô mà ông khách đang nói đến chính là người goá phụ, chủ ngôi nhà trọ đã ngầm giúp đỡ chúng tôi. Vẻ bề ngoài tầm thường, cũ kỹ mỗi khi bà đến thăm viếng, chăm sóc ngôi nhà đã cho tôi cái nhìn lệch lạc về con người và địa vị của bà. Bàng hoàng trước những tình huống bất ngờ xảy đến, mắt tôi nhìn dán xuống nền nhà, nơi vụn mì ăn liền  còn vương vãi, mờ mờ dấu hai bánh xe lăn dẫn vào ngách nhỏ của căn phòng dùng làm kho chứa đồ đạc đầy bụi bặm. – Tôi sẽ giúp gì được cho ông và cô đây? tôi đành hỏi vớt vát câu chuyện.
    - Em rất thích những bức tranh của ông, chúng thật ấn tượng và có chiều sâu - Cô gái vội nói xen vào rồi quay sang người cha nũng nịu. – Kìa ba ơi. Ba hứa với con điều gì  mà!
    - Ba nhớ rồi, con gái yêu quý của ba! - Chậm dãi thả bước quanh gian phòng, ông vừa nhẹ nhàng đề nghị với tôi. – Anh hoạ sĩ à, Giang Giang  khi xem bức hoạ, rất ấn tượng với phong cách sáng tác mới đó. Tôi muốn đề nghị anh vẽ giùm một bức tranh chân dung Giang Giang nhân kỷ niệm ngày sinh thứ 18, thời gian hoàn thành chỉ còn hai tuần, tuy hơi gấp gáp, nhưng tôi tin tưởng tài năng của anh sẽ đáp ứng được yêu cầu đó.
    - Thú thực với ông và cô. Tôi không thể… bởi tôi không phải là… là… ông và cô đã nhầm… tôi ấp úng giải thích nhưng ông đã vội cắt ngang lời tôi.
    - Tôi biết anh là một nghệ sỹ thực tài, có tấm lòng tự trọng của kẻ sĩ, tất nhiên anh sẽ từ chối. Dù thế nào, tôi cũng cầu xin anh một lần thôi, hãy nhận lời giúp tôi… tôi không muốn Giang Giang phải thất vọng về người cha của mình. Tôi sẽ trả giá rất cao,  nếu anh muốn. Hiện tại anh đang gặp khó khăn về mặt tài chính phải không? Tôi sẽ đáp ứng đầy đủ để anh được toàn tâm vào tác phẩm đó. Xin gửi anh trước 1.000 đô la gọi là chi phí ban đầu. - Ông rút nhanh xấp tiền để lên mặt bàn, từ tốn nói tiếp – Nếu anh từ chối, tôi sẽ rất buồn lòng, nhưng vẫn xin tặng anh số tiền này mong bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Rồi hai cha con nhẹ nhàng xin phép từ biệt.
    Thật khó xử cho tôi, dù có cố giải thích thế nào về sự nhầm lẫn giữa tôi và Dương Tử , cha con ông cũng không tin. Để ông khỏi buồn lòng, tôi đành hứa sẽ trả lời sau một vài ngày tới. Dõi theo bóng hai cha con họ khuất hút sau đám thông xanh, tôi quay lại nhà định bụng sẽ thuyết phục Dương Tử cố gắng giúp ông khách.
    Trong thời gian ông khách và cô gái tìm tới, Dương Tử trốn biệt vào căn nhà kho liền kề, nhưng vẫn lắng nghe câu chuyện của ba người. Từ lỗ thủng sau tấm liếp chắn, chú thả sức quan sát và mê mải đắm chìm trong ánh hào quang tỏa ra từ thân thể Giang Giang. Ngay khi nhác thấy bóng cô thấp thoáng nơi đầu ngõ, chú đã giật bắn mình như thể có luồng điện mạnh chạy lan khắp cơ thể. Chính vẻ đẹp kiều diễm kiêu sa của cô, khiến chú không còn bản lĩnh để tự tin xuất hiện. Trong chú rân rân linh cảm sẽ là tội lỗi khi để cô gái phát hiện ra sự tồn tại của mình trong căn nhà này. Nhưng khi thấy cô ríu rít ôm cách tay Hải Thi, bản năng sống trong con người chú ngùn ngụt trỗi dậy, mấy lần chú định nhao ra giằng cô khỏi anh. Để rồi cay đắng chìm vào cảm giác của kẻ vừa bị xúc phạm, quên lãng.
    Bước chân khách vừa rời khỏi ngôi nhà, Dương Tử đã hì hục căng dán toan vào khung vẽ, cố tỏ cho tôi thấy rõ thái độ bất hợp tác của mình. Mấy lần lại gần chú với ý định thuật lại câu chuyện của cha con ông khách, chỉ nhận lại thái độ dửng dưng vô cảm, cùng ánh nhìn thách thức bất cần nơi chú.
Hầu như cả đêm hôm đó chú thức trắng, ngồi lì bên giá vẽ, loay hoay sơn phết màu. Hôm sau một đống bản vẽ phác hoạ chân dung cô gái trong các góc độ, tư thế được chú hoàn thành y nguyên mẫu khiến tôi không khỏi bất ngờ và kinh ngạc.
    Sáng hôm sau và cả những hôm sau nữa, cô luôn quấn quýt bên tôi với lý do làm mẫu sáng tác. Bức tranh dần hoàn thiện, sắc đẹp nội tâm tiềm ẩn trong cô gái ngày càng phát lộ những nét lung linh, kỳ ảo qua từng nét cọ trau chuốt kỹ lưỡng, khuôn mặt thánh thiện ngời sáng có dải mây ngũ sắc làm nền như toả hào quang, ánh nhìn thăm thẳm găm sâu vào trái tim người chiêm ngưỡng khó dứt dòng xúc cảm.
 Qua những câu chuyện vu vơ không đầu không cuối, ánh mắt nhìn run rẩy, cảm giác rạo rực khi hai làn da vô tình chạm nhau, cho tôi linh cảm trái tim cô đã hoàn toàn thuộc về tôi. Đã mấy lần muốn cho cô nhận chân sự thật rằng tôi không hề biết tí gì về hội hoạ, và cha đẻ của nó đang miệt mài trốn sâu vào giấc ngủ nơi góc nhà kho, nhưng nhớ lại ánh mắt cầu khẩn cùng những dấu hiệu Dương Tử đã quy ước với mình, tôi đành im lặng…

Sự việc tiếp tục êm xuôi như thế cho tới ngày nét cọ cuối cùng được Dương Tử chuẩn bị đưa lên để hoàn thiện bức tranh.
Sau gần hai tuần thức trắng đêm để vẽ trong trạng thái hưng phấn đến kỳ lạ, chú không hề tỏ ra có dấu hiệu mệt mỏi, hay suy nhược. Trái lại trong đêm hôm đó tôi bỗng dưng đổ cơn sốt mê man, thân thể đầm đìa mồ hôi, lồng ngực đau quằn quại, hai chân, hai tay tê bại không thể nhúc nhích. Tôi rán sức gào thật to báo cho Dương Tử biết rằng mình đang gặp nạn, cần người phụ giúp nâng ngồi dậy, nhưng âm thanh thoát ra khỏi vòm họng đang cứng đơ của tôi chỉ là những tiếng ọ ẹ như đài hết pin, lệch sóng.
Thế là hết!... tôi thổn thức khóc vùi, thương thân phận mình và lo sợ cho tương lai ngày mai. Tôi sẽ chết trong nỗi cô đơn quạnh quẽ, và khi không còn tôi, Dương Tử sẽ sống chết ra sao?
Bất lực, tôi chỉ còn biết tự động viên mình cố gắng giữ đầu óc cho tỉnh táo, bằng cách tự lắng nghe nhịp thở và tiếng nước mắt xối đầm đìa xuống hai bên tai, nhấm nháp cảm giác cay xè nơi khoé mắt để biết mình còn sống. Cố gắng gượng như vậy, chống chọi lại từng cơn sốt hầm hập bằng ý chí của mình, được đến gần sáng tôi thiếp đi rã rượi…
Có tiếng thét lanh lảnh vang lên đột ngột, đầy khiếp đảm đã đánh thức tôi dậy, có lẽ cơ thể tôi đã tự phục hồi được sức khoẻ sau một giấc ngủ sâu. Rõ ràng cơn sốt đêm qua tuy đã dứt nhưng cảm giác gây gây váng vất vẫn còn vương lại trong đầu.
Tiếng kêu thét rùng rợn, hãi hùng là của Giang Giang. Cô đến để nhận bức tranh kỷ niệm ngày sinh lần thứ mười tám của mình, và cũng định bụng mời tôi, đến dự buổi dạ tiệc. Cô đã vô tình chứng kiến cảnh Dương Tử miệt mài vẽ tranh. Do tò mò, cô đến gần và ghé sát mắt ngắm nhìn khuôn mặt, cùng đôi tay của người hoạ sỹ tài hoa. Cô đã hoảng sợ thực sự khi nhìn thấy, vội thét lên rồi bỏ chạy như ma đuổi.
Thì ra suốt đêm qua Dương Tử mê mải trau chuốt từng chi tiết cho bức tranh theo ý tưởng mới của mình, nên cậu đã quên phắt cả tôi và thời gian cô gái sẽ đến theo giao ước. Nghe tiếng thét bất ngờ vang dội sau lưng. Dương Tử chết sững tay bút, buông rơi cây cọ, một vệt màu rơi ra từ khoé mắt cô gái trong tranh chảy đến gốc mũi thành một dấu chấm hỏi đỏ tươi, ám ảnh.
Suốt ngày chú ngồi lặng trước bức tranh, hai mắt mở trừng, trân trối nhìn như thôi miên vào dấu hỏi ngự trị giữa trung tâm khuôn mặt cô gái. Cho tới nửa đêm hôm đó khi tôi hốt hoảng tỉnh giấc, rồi bất chợt lắng nghe thấy những tiếng kêu âm u khác lạ phát ra từ phía phòng tranh, lặng lẽ nhón gót nhòm qua khe cửa hẹp, vẫn thấy bóng Dương Tử ngồi bình thản trên chiếc xe lăn quen thuộc. Đối diện chú là bức tranh chân dung Giang Giang tươi tắn như một thiên thần đang toả ánh hào quang. Những tiếng âm u, rợn ngợp căn phòng đang đều đều phát ra từ khoé mép người đàn ông trong bức tranh kề bên vẫn không hề ngớt. Từ ánh sáng chớp loé của một phần tỉ giây linh cảm vô thức, tôi bàng hoàng nhận ra khuôn mặt ông Chủ tịch xã, người đàn ông đã lặng lẽ ghì chặt mẹ tôi giữa đêm mưa giông đầy gió thốc và nhoáng nhoàng từng tia chớp giật, và tôi, một thằng oắt con mười tuổi nằm còng queo giữa màn đêm bí hiểm đếm từng trận gió ào qua sau ánh chớp. Và cũng trong một phần tỉ giây đó, một tia sáng khác xanh lè, run rấy phát ra từ đôi mắt người đàn ông quấn quýt phủ quanh tấm thân nhỏ bé của Dương Tử cùng những tiếng nổ lép bép, lép bép. Tôi hoàn toàn không còn đủ tự tin vào sự sáng suốt của bản thân mình khi bất ngờ chứng kiến hai luồng sáng lân tinh khác nhỏ xíu như hai quả bóng bàn vút ra từ đôi mắt chú, các tia sáng đó chờn vờn múa lượn những điệu vũ ma quái trên từng bức tranh, phút chốc cả đống tranh trong phòng rừng rực bốc cháy toả muôn hồng ngàn tía, rồi cả thân hình chú cùng chiếc xe lăn cũng bừng lên trong ánh lửa diệu huyền, ma quái đó…
 Không kịp nữa rồi! Tôi cuống cuồng phá cửa xông vào tiếp cứu, nhưng tất cả đã cháy thành tro, cả chú và chiếc xe lăn cũng hoàn toàn tan biến trong đám bụi đang rơi lả tả khắp gian phòng.
 Duy nhất còn nguyên vẹn là bức tranh chân dung Giang Giang với dấu chấm hỏi đã chuyển màu đỏ thẫm đang lạnh lùng nằm trên giá vẽ.

                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét